Hoàn cảnh Trận Tương Dương - Phàn Thành

Kinh châu thời Lưu Biểu trấn giữ nguyên có 7 quận: Nam Dương, Nam Quận, Giang Hạ, Linh Lăng, Quế Dương, Trường Sa, Vũ Lăng. Qua cuộc chiến giành giật qua lại giữa 3 phe Tào - Tôn - Lưu sau trận Xích Bích, mỗi bên còn giữ một phần:

  • Lưu Bị có 4 quận Linh Lăng, Quế Dương, Trường Sa, Vũ Lăng và một nửa quận Giang Hạ của Lưu Kỳ (con cả Lưu Biểu). Lưu Bị được Tôn Quyền cho mượn huyện trọng điểm Giang Lăng thuộc Nam quận, đổi lại giao phần còn lại của Giang Hạ cho Tôn Quyền. Sau đó Lưu Bị cắt mấy huyện từ các vùng đất chiếm được lập ra các quận Nghi Đô, Phòng Lăng và Công An.
  • Tôn Quyền chiếm được Giang Lăng, nửa quận Giang Hạ và nửa Nam quận; sau đó cho Lưu Bị mượn phần Nam quận gồm cả Giang Lăng, thu lại Giang Hạ.
  • Tào Tháo còn giữ lại quận Nam Dương và nửa Nam quận là huyện Tương Dương[1]. Vì huyện Tương Dương đơn lẻ nên Tào Tháo nâng Tương Dương lên thành quận. Tào Tháo cũng tách ra mấy huyện lập thêm quận Nam Hương.

Sau khi Lưu Kỳ chết, Lưu Bị tiếp quản phần nửa quận Giang Hạ. Khi Lưu Bị mang quân vào đánh Tây Xuyên (212) giao 4 quận Kinh châu cho Quan Vũ trấn thủ.

Năm 214, nhân lúc Lưu Bị đã vào Tây Xuyên và điều động thêm nhiều quân cùng các tướng giỏi như Triệu VânTrương Phi, Tôn Quyền bèn sai Lỗ TúcLã Mông đánh mấy quận Kinh châu trong tay Quan Vũ và chiếm 3 quận Linh Lăng, Quế Dương, Trường Sa. Quan Vũ chỉ còn giữ được nửa quận Giang Hạ và quận Vũ Lăng. Lưu Bị ở Ích châu được tin, vội mang quân ra thành Công An thuộc quận Vũ Lăng, chuẩn bị giao chiến.

Nhưng lúc đó Tào Tháo đang chuẩn bị đánh chiếm Đông Xuyên của Trương Lỗ. Tây Xuyên bị uy hiếp. Lưu Bị không thể ở lại lâu theo đuổi cuộc chiến với Tôn Quyền, đành phải nhượng bộ Tôn Quyền, đề nghị chính thức công nhận chủ quyền 3 quận Linh Lăng, Quế Dương, Trường Sa cho Đông Ngô, xin đổi lấy Nam quận. Tôn Quyền chấp thuận giảng hòa, phân chia lại Kinh châu, lấy sông Tương Thủy làm ranh giới. Quan Vũ tiếp nhận huyện Giang Lăng thuộc Nam Quận, tướng của Tôn Quyền là Trình Phổ giao lại Giang Lăng, về giữ chức thái thú Giang Hạ. Tôn Quyền giao thêm phần nửa Nam quận cho Quan Vũ; đổi lại Quan Vũ chính thức giao lại quận Trường Sa và Quế Dương cho Tôn Quyền.

Tôn, Lưu giảng hòa và cùng quay sang tấn công lên phía bắc. Năm 219, Lưu Bị đánh chiếm Đông Xuyên (đất cũ của Trương Lỗ) từ tay Tào Tháo, còn Tôn Quyền cũng vừa tấn công Hợp Phì ở phía đông. Nhiều điều kiện thuận lợi khiến Quan Vũ mở một mặt trận bắc tiến từ Kinh châu[2], dù ngay trước đó quan hệ Tôn-Lưu đã bị rạn nứt nặng nề khi Quan Vũ không những từ chối lời kết thông gia của Tôn Quyền mà còn sỉ nhục họ Tôn[3].